Ngày Mới
…
Hôm sau, chúng tôi cõng con đi gõ cửa những hàng xóm của cha mẹ tôi và xin được mỗi người vài bộ quần áo cũ còn tạm dùng được, chút ít kim chỉ và lương thực. Hạnh bắt đầu khâu lại đồ rách và sửa lại cho vừa. Còn tôi, đi moi khoai lang do cha tôi trồng trên rẫy theo người bạn già của cha tôi còn kẹt lại đây hướng dẫn. Khoai lang và chỉ có khoai lang! Tôi mang về thật nhiều khoai lang khiến Hạnh vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ như có hy vọng được sống còn!...
Từ ấy, tất cả nhờ khoai lang, những thứ cần để sống qua ngày đều đổi bằng những gùi khoai lang. Chúng tôi dần dần hồi sức. Nhìn vợ con và gia đình tôi sực cảm nhận một điều là mình còn đang sống và cuộc sống hoàn toàn mới lạ. Lạ lắm! Lần đầu tiên tôi thấy dửng dưng với mọi thứ và không có chủ hướng gì cả! Hy vọng mơ hồ rồi dần hồi cũng rã tan. Ngày qua ngày, vài tuần trôi qua, đầu óc tôi trống rỗng, lòng tôi trơ vơ, hụt hẫng như từ đâu tôi đột nhiên rơi xuống đây. Tôi không còn chủ ý, tôi lừng khừng như con thú khờ mất định hướng. Tôi cũng nhận ra, mình không thể kéo dài cuộc sống như thế này nữa. Bấy giờ tôi mới bắt đầu nghĩ đến phải làm nghề gì để sống và sống như thế nào? Ngoài nghề giáo tôi không biết phải sống bằng cách nào? Cố gắng lắm, tôi mới đi đuợc một chuyến đến Ty giáo dục để xem có gì lạ.
Chỉ mới non ba tuần mà cả thành phố thân yêu này đã khác hẳn. Cứ như tôi đang nhìn kẻ bạc tình, trơ trẽn vênh váo không còn lén lút vụng trộm gian dâm! Tôi bước đi giữa thành phố nhuộm đỏ như ngập tràn máu lửa bỡi màu cờ và những khẩu hiệu xưa nay tôi chưa hề nghĩ đến mà lòng thấy uất nghẹn không nuốt nổi sự đổi thay tráo trở này. Tôi lẩm bẩm: Thành phốyêu dấu ơi! Thế là hết, tôi đã mất tất cả tình thân với em rồi! Em nói đi! Phải chăng em cũng bị ức hiếp như tôi!
Ở Ty Giáo Dục, hai bên cổng đều cắm cờ đỏ hình lưỡi liềm với cây búa và lá cờ có một sao vàng trên nền toàn màu đỏ, ở giữa là băng-rôn cũng là màu đỏ chữ vàng với câu khẩu hiệu: “KHÔNG CÓ GÌ QUÍ HƠN ĐỘC LẬP TỰ DO”. Giữa hai chữ “độc lập” và “tự do” không có dấu gì cả. Như thế thì chữ “tự do” ở đây chỉ là tính từ đi sau danh từ “độc lập” tức là sự “độc lập tự do” chứ không phải là danh từ đứng riêng chỉ sự “tự do” của con người. Tôi ấm ức về lối chơi chữ và muốn hỏi xem có mấy ai đã nghĩ qua? Và tôi cũng kịp nhận ra rằng vả chăng từ giờ trở đi chữ ấy có là danh từ xuất hiện ở đâu đó đi nữa thì chắc chắn, vĩnh viễn như mặt trời lặn ở phương tây, nó cũng không bao giờ thuộc về của mình, của người dân bỡi một điều quá đơn giản – không phải họ đã tuyên bố rõ ràng và lặp đi lặp lại hàng ngày, hàng giờ trên loa phóng thanh đó sao: cái gì cũng thuộc nhà nước quản lý dưới quyền đảng lãnh đạo và người dân làm chủ - làm chủ tập thể - sở hữu tập thể, nghĩa là không một cá nhân nào làm chủ được gì cả. Ty Giáo Dục, nơi dày đặc dấu chân của những người mẫu mực, những nhân sĩ, trí thức, những người miệt mài xây dựng con người có giá trị nhân bản, tự do, văn minh, tiến bộ và xây dựng tiền đồ dân tộc bây giờ đã khác, đã trở thành công cụ chính trị của một đảng cầm quyền. Người ra kẻ vô nón cối nhiều hơn đầu trần, áo quần tự nhiên thay đổi ra vẻ bình dân, xốc xếch khác xưa. Vài cán bộ đi xe đạp, mặc áo sơ mi trắng, tay xắn nửa thấp nửa cao bỏ áo ngoài quần - quần bộ đội, chân đi dép râu, trên đầu cũng là chiếc nón cối, dưới nách đeo chiếc radio nhỏ mở oang oang, hô ố những bài ca chiến thắng, ca tụng bác, đảng. Bạn bè còn được đôi người đi nhận việc lại, gặp nhau không còn hớn hở như xưa mà chỉ thấy e dè ngăn cách như mất lòng tin tự bao giờ. Tôi được dịp nghe một hai đồng nghiệp thân quen kể về vai trò mới của họ. Được biết có thầy được phong chức, giao quyền nhờ có công nằm vùng hoặc nhờ thân nhân có công “cách mạng”. Mặt họ rạng rỡ mà lòng tôi thấy đau nhoi nhói vì đối diện với sự thật và tình bạn đổi thay đen trắng thật bất ngờ. Trong số ấy, một bạn thân cùng khóa của tôi có ông chú là cán bộ tập kết. Thảo nào, khác với tôi, lâu nay anh lập luận cái gọi là “Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam”và quân Bắc Việt không dính dáng gì với nhau. Nay anh vừa được bốc lên Hiệu trưởng, anh ngõ lời muốn giúp tôi nhận việc ở đây thay vì phải về nhiệm sở cũ, nhưng sao trong tôi chẳng thấy mừng, lòng tôi cứ thấy ngỡ ngàng, dửng dưng như đang đứng trước cuộc bể dâu tan tác khó bề chấp nhận. Tôi thật sự đã mất những người bạn và tôi chẳng trách mình khờ. Nhìn câu khẩu hiệu: “Đảng cộng sản Việt nam quang vinh muôn năm” trên các vách khắp nơi, tôi cảm nhận đất nước thân yêu từ nay được người ta cắm lên một cái đảng nắm trọn quyền bính không phải nảy sinh từ lòng đất dân tộc này chắc sẽ quên những kẻ dùng dằng khó phục như tôi. Bên trên, đảng ấy giành hết quang vinh cho đến muôn năm thì chắc chắn bên dưới - người dân từ đây sẽ phải nhận phần lầm than tăm tối không biết đến bao giờ. Định luật thiên nhiên xưa nay là thế mà. Trong sử sách dân tộc mấy nghìn năm, xưa có vua Lê Chiêu Thống rước voi về dày mả tổ để lại bia miệng thối tha nghìn đời, nay thì bom đạn và học thuyết ngoại lai, chưa tiêu hoá đã được mang về thử nghiệm trên cuộc đời của dân tộc mình. Tôi đi về mà lòng đầy ngờ vực, tang thương như người lạc bước từ bên kia thế giới. Thế sự phũ phàng làm sao ấy!
X X
X
Tạm chấm dứt một chuyến chạy tìm mảnh đất tự do, chúng tôi đùm túm về lại căn nhà cũ mà chúng tôi đã rơi nước mắt thầm nhủ vĩnh biệt trước khi bỏ đi… May mắn thay, căn nhà vẫn còn đứng đó buồn tênh lặng lẽ như đang trung thành chờ đợi. Khắp các phòng chỉ còn lại rác rưởi. Ngày mới nữa lại đến. Chúng tôi bắt đầu cuộc sống ăn uống, ngủ nghỉ đều ở trên nền. Một hôm, có người quen từ quê lên phố báo tin ông ngoại mấy bé đã qua đời. Hạnh khóc nấc rồi bất ngờ ngã qụy trong bếp, mặt mày đầy tro. May cho Hạnh, lửa củi chưa bén, nồi nước chuẩn bị luộc rau chưa kịp sôi, rổ rau tạp tàng có cả ngọn nhãn lồng, lá mồng tơi, rau má, lá me… trên tay Hạnh buông vãi ra quanh bếp. Lo cho Hạnh xong yên, đến tờ mờ sáng hôm sau tôi lập tức theo người quen ấy dẫn đường đi tìm xác. Ông ta lén lút giúp đỡ chỉ vì đã từng mến mộ và chịu ơn ông ngoại hai cháu. Trên đám ruộng nhỏ bên lề đường quê đã thành đất khô vì qua nhiều mùa bỏ hoang, chung quanh là bụi bờ cao khỏi đầu, những cái xác nằm sóng soài, hai tay còn đang bị trói sau lưng, miếng vải bịt mắt vẫn còn. Xác đã nằm đây nhiều ngày đêm; những vết thương đã đen sì, thịt da đã xám xịt nên khó nhận ra mặt người. Những mảng máu khô đen màu cà phê chung quanh những vết đạn xé toan áo lính trên ngực. Rõ ràng họ bị thủ tiêu âm thầm tại đây. Thật khó mà cầm được nước mắt khi nhận ra xác của ông. Tôi đứng chết lặng người ôm những kỷ niệm cùng sống gần gũi hàng ngày giữa ông ngoại, các cháu cùng hai chúng tôi. Tôi uất nghẹn trước sự bất nhân đối với một người cán bộ hành chánh bình thường đã phục vụ cho xã hội, xã hội tự do. Ông ngoại mấy nhỏ là người rất được dân mến mộ vì tính khiêm tốn, rộng lượng và hay giúp người, cũng chính vì vậy mà tôi có dịp đến với Hạnh. Nay ông bị thủ tiêu ngay ở địa phương mà ông đã xây dựng được uy tín! Hoàn cảnh eo nghiệt không cho phép chúng tôi chôn cất ông tươm tất như những đám táng bình thường. Chúng tôi cùng vài người bà con khác moi, vội lấp vội thành nấm mồ tạm bợ tại chỗ cho ông yên nghĩ. Tôi nhìn trước, ngó sau rồi lâm râm khấn: Ba hãy an nghỉ. Thời của dối lừa, tàn ác, bất nhân đã lên ngôi. Lời ba dặn còn mãi bên tai. Con cháu phải sống nhưng sẽ không bao giờ hợp tác và bằng mọi cách sẽ lánh xa cộng sản.
Lại một ngày mới đến, một vài người bạn cũ cùng tâm trạng chỉ có trong buổi giao thời đến thăm và chia cho ít quần áo, cái chật bó, cái rộng thùng thình. Tôi cảm ơn Hạnh, người vợ hiền sửa lại cho tôi mớ quần áo mặc ra dáng nhà nông. Hạnh bảo tôi mặc vào và xoay người qua lại cho nàng ngắm thử.
- Anh thấy sao?
- Không sao cả. Đất nước chẳng còn và em có nghe chăng, ngay cả ông trời cũng mất ngôi vị: “Thằng trời đứng xuống một bên, để cho nông hội đứng lên thay trời” và đời đã đổi thay, chúng ta trở thành người vô sản trước và rồi đây người ta sẽ được “vô sản hoá” cả thôi em ạ. Cám ơn em nhiều lắm! Phải hỏi em thấy thế nào khi anh tập làm nghề nông mới đúng. Em nghĩ xem, đôi bàn tay này mà làm nghề nông thì giúp được bao nhiêu cho con người?! Nhưng thà vậy, anh quyết bỏ nghề bỡi không đành lòng đầu độc, gây hại nhân gian. Ngày anh tham quan giáo dục ở Hoa Kỳ, hay lên Nha, lên Bộ Giáo Dục dù chỉ là trong mơ cũng sẽ không còn chứ đừng nói đến chi đến tiền đồ! Một gánh giang sơn đã gãy giữa đường rồi em ạ! Từ đây anh đành thất hứa rằng những ngày hè sẽ dắt em và các con đi nghỉ ở Nha Trang, Đà Lạt hay những nơi em từng mơ ước. Anh xin lỗi em!
- … Hạnh muốn nói gì nhưng rồi lại cúi mặt và khẻ lắc đầu. Tôi nhìn hai đứa nhỏ đang loay hoay trong bếp lửa vừa tàn còn mấy que củi lưa thưa, cong queo mà lòng ngậm ngùi cay đắng làm sao…
Với đôi mắt xanh đen nhấp nháy, Hạnh tựa áp sát vào vai tôi và im lặng một hồi lâu. Chúng tôi cùng chia xẻ những cảm xúc không nói nên lời. Đành thôi! Ngoài kia mây đen đang cuồn cuộn kéo nhanh, che phủ u ám cả một vùng trời. Theo sau là những vệt sáng xoẹt chớp chớp khắp nơi cùng những tiếng sét vang rền liên tục như Thiên Lôi đang cuồng nộ, lồng lộn tự trách vì đã đánh mất cơ hội răn đe kẻ cướp bất nhân. Chừng như cơn mưa đầu mùa sắp đến. Hai đứa bé đang gỡ, ăn những hạt cơm cuối cùng trên củ khoai cùng chạy đến đưa củ khoai đang ăn dỡ cho tôi. Bé chị nhanh miệng trong lúc thằng em lắp bắp chen vào: “Này, ba ăn đi cho hết sợ sấm sét. Mẹ nói ăn khoai rồi thì không còn sợ gì nữa!” Tôi nhìn Hạnh rồi ôm chúng vào lòng và cố ngăn dòng nước mắt cứ rươm rướm…
(Trích: Những Cánh Chim Hải Âu)
Vĩnh Tường