Breaking News

Lý Tưởng Tái Thiết: Lẽ Phải Thông Thường Hay Cái "Đúng Kiểu Chính Trị"

Vĩnh Tường
. . . “quốc! quốc!”… Ở đây dù không tìm đâu ra tiếng của loài chim ấy nhưng ta vẫn mãi thấy đau lòng khi nhắc đến quê hương. Bao giờ có nhân kiệt xuất hiện thổi nên một cao trào cách mạng có sức thay đổi vận mệnh của đất nước, của một dân tộc có hàng nghìn năm văn hoá như Nguyễn Huệ với phong trào Tây sơn.Nhân tài bất kể ở tầng lớp nào, khoa bảng hay thường dân, áo vải ít học nhưng sáng suốt, có lòng trung trinh, chân chất, có quyết tâm, và cũng có thể là người trong chức quyền hiện tại, đã thức tỉnh. Điều tối quan trọng là người nổi bật trên vạn người, bằng cái nhìn trung thực chính sự tình dân khốn khổ, đất nước đang lâm nguy hay đang đi vào tử lộ, đồng thời có cái nhìn xa về một tương lai tươi sáng nếu chọn sự thay đổi cần thiết. Nhưng than ôi, biết đến bao giờ mới có! Còn ở đây, cũng là đồng loại nhưng người ta khác xa dân mình. Cơ hội cứ đến bốn năm một lần, vuột lần này thì bốn năm sau lại đến nhanh; nhân tài lại xuất hiện và đất nước lại đổi mới với đường lối, chính sách phù hợp với tình hình hiện tại; những gì trái khoáy tai hại hay không hiệu quả sẽ được gỡ bỏ, sửa đổi; đi quá đà thì thu bớt lại, chưa tiến kịp thì gia tăng, tức là luôn luôn giữ nguyên tắc “tổn hữu dư bổ bất túc” để lấy lại quân bình. Đó là nghệ thuật tuyệt diệu của trời đất, nhân sinh và cũng là tiềm năng của chế độ chính trị tự do dân chủ như ở Hoa Kỳ.
Thông thường trong thời gian ngắn người ta dễ làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn, nhưng làm cho nó tốt đẹp hơn thì không dễ gì.  Sau hai lần  bốn năm, hai nhiệm kỳ của vị Tổng thống thuộc đảng Dân chủ đã để lại hiện tình đất nước và  xã hội như thế nào có lẽ người ta đã thấy rõ và có thể tổng kết từ trong vòng năm cuối tức là đến bây giờ. Dù còn ba tháng nữa nhiệm kỳ mới thật sự chấm dứt nhưng không hy vọng gì ông có thể đem lại sự khác biệt nào đáng kể.
Khi có người mới, đặc biệt là nổi lên từ ngoài hệ thống công quyền thì cuộc tranh cử có nhiều chuyện để nói, cuộc chiến trở nên ồn ào và phức tạp hơn như sân khấu có tuồng mới. Nhân vật mới khi bước vào lãnh địa lâu đời của các bang phái dĩ nhiên phải có niềm tự tin mãnh liệt vào ý tưởng mới của mình. Lý tưởng của của người mới có thể là một đột phá, trái ngược với lề lối suy nghĩ thâm căn cố đế của giới chuyên nghiệp chính trị. Đó là chưa kể đến những kế họạch táo bạo của họ có thể đe dọa nồi cơm, uy danh hay chỗ đứng của giới đương quyền. Vì thế nhân vật này dĩ nhiên phải có sức chịu đựng dẽo dai và khả năng chiến đấu kiên cường để thọ địch tứ bề mới mong vượt ra khỏi hàng vạn lời trói buộc, phản bác có cả nguyền rủa từ cửa miệng của các phe phái lẫn lời oán trách của người có uy danh. Người mới cũng không phải từ chỗ không mà đến, họ như hạt giống đã nẩy mầm và đâm chồi lúc cơ duyên đủ đầy từ vùng đất tự nhiên của nó. Tình hình đất nước như thế đó sẽ có người xuất hiện thế đó. Đây là hiện tượng rất tự nhiên, những người bình tĩnh, tâm không chấp trước, nhìn cho tận, xét cho cùng đã không có gì ngạc nhiên ngay từ khi bắt đầu. Cụ Sander và ông Trump từ hai hạt giống tư tưởng khác nhau mọc lên trong cùng một miền đất – đó là hiện tình bên ngoài và bên trong biên giới quốc gia, và họ là hai nhân vật mới tiêu biểu. Nguyên nhân căn bản của phong trào mà họ vận động thành hình chính là do tình hình không thể biện hộ, trước mắt trên thế giới, ở nội địa về quân sự, kinh tế, an ninh, giáo dục, di dân, chủng tộc, trật tự an toàn xã hội. Cụ Bernie Sander (Dân chủ) bên trái, hướng lên XHCN. Ngược lại, ông Trump (Cộng hòa) vận động thu về phải, ưu tiên tái xây dựng quốc gia Hoa Kỳ, phục hồi nguyên tắc của nền tự do tư bản và những giá trị truyền thống của người Mỹ.
Cụ Sander gây được phong trào khá rầm rộ; lấy tình hình trên làm bàn đạp tiến nhanh, tiến mạnh thêm bước nữa, cổ võ đường lối xã hội chủ nghĩa, tăng thuế người giàu, xẻ nhà bank lớn, cho người nghèo chi phí y tế, giáo dục vân vân. Lý thuyết nghe mà thích; không thích thì tại sao hàng triệu người trên thế giới đã phải sớm bỏ mạng hoặc bán cả cuộc đời, nhưng còn thực tế hậu quả lâu dài ra sao thì khỏi phải nói vì người Việt chúng ta ai mà chẳng thuộc lòng qua bài học thực tế bằng xương máu của cả dân tộc. Ngoại trừ qúi vị cao minh, khoa bảng, hoặc đã học hay đọc qua, có lẽ những ai chưa hiểu tư tưởng cộng sản phát sinh và tồn tại trong môi trường xã hội như thế nào cũng nên tìm hiểu cho cặn kẽ để tránh lạc hậu. Ngọn lửa XHCN bùng phát khá nhưng rồi tắt lịm dần và để lại những vết sẹo trong lòng người ủng hộ, đó là những lời hờn trách, bất mãn, phản đối dữ dội đối với những bất công trong cuộc tranh cử sơ bộ; đặc biệt đối với những người đã không tin bà Hillay Clinton và còn biết được sự thua cuộc của ông một phần do trò mánh mung, bẩn thỉu trong đảng Dân chủ khiến bà chủ tịch Debbie Wasserman bị buộc từ chức. Phong trào đã tắt ngúm nhưng tư tưởng và đường lối XHCN của ông vẫn còn sống nhăn vì ông đã mang nó sáp nhập với ứng viên Dân chủ; bà Hillary Clinton tiếp tục triển khai thêm vào đường lối, chính sách hầu hết y như cũ của vị Tổng thống Dân chủ đương nhiệm.
Cũng vậy, nếu tình hình thế giới và đất nước an bình, kinh tế phát triển tốt đẹp, xã hội không rối loạn, chia rẽ, khủng bố không hoành hành, nợ nần không tiếp tục chồng chất, lại nữa không có bà Clinton quá gian hùng với đầy dẫy xì-căng đan (scandals) và một hệ thống chính trị thiếu minh bạch – theo ông Trump là rigged system, thì sẽ không có người như ông Donald J Trump nổi lên ứng cử; cũng như ở rừng ngập mặn thì mới có cây đước mọc lên. Ngọn lửa đấu tranh chỉ có thể thổi lên khi lòng dân sôi sục, phẩn uất, bất mãn chính quyền và giới chính trị. Nếu không có nguyên nhân này thì cho dù người tài đến đâu  cũng không thể thổi nên một phong trào bền bĩ như thế. Nhưng điều quan trọng là người mới phải ở trong dân, nhìn thấy ý dân, vì dân mà nói, cho dân mà làm, vì đất nước mà phục vụ cho đến khi không chỉ một ông Trump mà có hàng triệu ông Trump mọc lên chung quanh như rừng đước bảo vệ bờ biển; bão táp cũng khó mà quật ngã. Ôn lại từng điểm mà ông Trump rất kiên trì trong vận động đều rất thực tế vì dân trên hết, tái xây dựng đất nước vĩ đại như xưa; (“American First” and Make America great Again”) đó chính là ý dân, là tiếng nói của đa số đã bị xem thường. Các chính trị gia chuyên nghiệp lâu năm đã không thấy điều đó, hoặc có thấy nhưng không cảm nhận, chỉ ở ngoài nhìn vào, phóng loa vào cái khối người khổng lồ ấy theo tập quán đúng kiểu chính trị (political correctness), bảo họ cứ tin mình vì mình là người giỏi giang, là chính trị gia chuyên nghiệp. Họ dính chết với một bài học và một phép thực hành cứng nhắc là chỉ có ta mới thông minh, có ăn học, có khoa bảng, có kinh nghiệm, có vẻ chễm chệ ra vẻ lãnh đạo và chỉ có ta mới biết nói léo lận kiểu chính trị, không thành có, có trở thành không - cứ tiếp tục tôn vinh cái “đúng kiểu chính trị” tuyệt vời. Nếu cần thì đóng kịch đồng cảm một cách lố bịch như xoắn quần lội ruộng giả người đi cấy để chụp hình! Ông Trump trước khi ra đấu trường đã biết chiếc đũa thần của họ hết linh, những lời sáo rỗng không còn mấy hiệu quả và ông đã đập gãy vụn bằng những lời búa đe của thường dân thô thiển, trung thực trần trụi. Quỉ tha ma bắt! Hắn có thể đập bể nồi cơm và lật áo của mình cho ngườI xem lưng; sự nghiệp của mình cũng như của phe cánh sụp đổ như chơi. Chính trị lão làng ai mà không ghét cái gã ấy được chứ!
Giai đoạn một, gây được phong trào và đánh rớt hết đối thủ bằng chiến thuật mới lạ, bất ngờ. Đến giai đoạn hai, ông mới bắt đầu vừa tấn công đối thủ chính là bà Clinton một cách không khoan nhượng, không theo “đúng kiểu chính trị”. Ông đánh thẳng vào đống tàn dư xì-căng-đan đồ sộ của cả hai vợ chồng và hậu quả nghiêm trọng từ nưuớc ngoài nhất là Trung Đông đến trong nước, từ những sai lầm trong chính sách đến sự thiếu khả năng phán đoán chính xác của đối thủ để có chỗ trống, gieo trồng và phát triển chi tiết những chính sách mới mà tựa đề đã được giới thiệu từ trước làm cho truyền thông cả nước - nhất là cánh tả tưng bừng khai thác, vẽ rắn thêm chân, vừa chửi vừa quảng cáo giùm. Tựu trung toàn bộ chiến lược của ông đều là TÁI THIẾT, TÁI THIẾT và chỉ có TÁI THIẾT. Từ đây, trong chính trường Hoa Kỳ, ông Donald J Trump, một nhân vật mới chính thức có mặt với LÝ TƯỞNG TÁI THIẾT.
Người trong mỗi nghề có tập quán nghề nghiệp riêng và cái nhìn sự vật theo thiên hướng nghề nghiệp. Bác sĩ thì nhìn thấy ngay môi trường có nguy cơ gây bệnh, luôn để ý đến bệnh và cách chữa; luật sư được huấn luyện để tìm thấy kẽ hở của luật pháp, một là để phanh phui hai là che lấp thế nào; nhà thơ thì càng rõ khác hơn, chỗ nào cũng có tình tự; … Các nhà thầu xây cất, và các nhà lập kế hoạch phát triển đều có tập quán thích xây dựng hay tái thiết. Hơn ai hết, họ là người thường tìm thấy trước tiềm năng của các công trình mới đồng thời có cái nhìn khám phá rất thực tế về những khuyết điểm của những gì đang tồn tại trước mắt, và họ đều có chung nguyên tắc căn bản: trước khi xây dựng, hay tái thiết một cơ sở, việc đầu tiên là đập phá, dọn dẹp sạch sẽ mặt bằng (clear the site remove all debris), kế đến là san bằng theo đúng độ yêu cầu (grading) mới bắt đầu xây dựng (build or rebuild). Cũng vậy, là người từng say mê ngành xây dựng và đã thành công, ông Trump cũng có tập quán cố hữu và cũng quen những nguyên tắc đơn giản trên. Khác với mọi ứng viên, ông ta thấy nhiều chỗ lỗi thời, khuyết điểm khắp các ngành, các cộng đồng và chỗ nào cũng có cơ hội khai thác tiềm năng tối đa của nó.  Không chắp vá, chấp nhận hiện trạng, ông cứ đốn ngã, dọn dẹp cái cũ, cái lỗi thời với ý tưởng bắt đầu xây dựng lại. Sau đây là một số ý tưởng nổi bật.
1.      Tái thiết biên giới bị vỡ và vấn đề di dân lậu vượt biên vào Mỹ:
Bức tường thật, cây cầu trên mây, TÁI THIẾT biên giới và quan hệ:Mấy mươi năm qua chính trị gia hai bên tranh nhau giải quyết kiểu kéo co, khiến tình hình biên giới mỗi ngày thêm tồi tệ, biên giới ngày càng lỏng lẻo, di dân lậu vượt biên ngày càng nhiều, đất nước càng tốn hao tiền bạc và phải giải quyết nhiều rắc rối khác. Theo Fairus.org các vụ tội phạm do di dân bất hợp pháp gây nên qua nhiều loại kể cả thiệt hại nhân mạng, năm 2013 có 82 vụ, 2014 có 15 vụ, 2015 có 19 vụ. Trong số đó nhiều kẻ ở trong các thành phố bảo hộ có luật riêng dễ giải, không trục xuất. Có lẽ đây là lý do khiến ông Trump phát biểu làm chấn động dư luận cho rằng ông kỳ thị người Mễ trước khi ông đưa ra đề nghị giải quyết dứt điểm một lần bằng một bức tường và Mễ sẽ chi trả - dĩ nhiên là có cổng biên giới “Welcome to America” để qua lại.  Dù gặp chống đối và dán đủ kiểu nhãn tồi bại (Bài Sự Thật và Những Cái Nhãn/VB), nhưng cho đến nay, ông vẫn kiên trì với lập trường của mình, không hề nao núng hay thay đổi chút nào. Kế hoạch này hoàn toàn trái với cách giải quyết biên giới của bà Clinton là  phá bỏ mọi rào cản và thay vì xây tường bà xây cầu (break all barriers and build the bridge).  Chính trị gia có sức tưởng tượng và lời hoa mỹ, thả lỏng biên giới và xây cầu trên mây còn người thợ xây trộn xi măng, lắp gạch đá hay hàn sắt thép để xây tường hay hàng rào thì khác. Hiện nay biên giới đang có hàng rào, có tường từng đoạn, có đội biên phòng tức tổn công, tốn của canh giữ dài dài, nhưng không mang  lại hiệu quả như mong đợi mà còn mang tai mang tiếng phức tạp, rắc rối đủ điều; ví dụ, Mỹ phải đặt bình nước cung cấp nước cho người vượt biên để họ không chết trên đường băng qua sa mạc; đó là chưa kể rắc rối kẻ bắt, bắt như thế nào, người thả, thả như thế nào; . . . Còn bức tường xây kiên cố với kỹ thuật ngày nay người ta thừa sức lắp đặt hệ thống dưới móng và trong tường để trừ việc đào hầm xuyên qua. Đây là giải pháp gọn gàng, dứt khoát một lần xong hết mọi khó khăn trên (a real clear solution). Thế thì tại sao lại chống? Nói rằng không nhân đạo hay kỳ thị . . . Vậy chứ giải pháp đang có không phải là cùng mục đích và còn làm khổ người ta nhiều hơn sao?
Lợi ích của bức tường như thế nào? Xưa nay người ta thường chỉ nghĩ ngăn chận di dân lậu qua biên giới là để giải quyết vấn nạn riêng của nước Mỹ, nhưng nghĩ như thế thật là phiến diện. Sự có mặt của di dân hợp pháp cũng như bất hợp pháp tìm đủ mọi cách tràn vào Hoa Kỳ là do hai nguyên nhân.  Nguyên nhân sâu xa là sự hấp dẫn của Hoa Kỳ về mọi mặt: một chế độ tự do dân chủ bậc nhất, một nền giáo dục nhân bản, nhân quyền được tôn trọng nhất thế giới và đất nước Hoa Kỳ có nhiều cơ hội. Nguyên nhân gần là chính sách di dân chưa thật sự cập nhật và biên giới lỏng lẻo. Có hai nguyên nhân xảy ra vấn đề thì dĩ nhiên có hai cách giải quyết. Thứ nhất, là hạ thấp sự hấp dẫn của Hoa Kỳ như các nước trong vùng cho đến mức có mời người ta cũng không thèm vào. Lúc ấy Mỹ thong thả, không cần tường rào, gìn giữ biên giới gì cả.  Dĩ nhiên điều này không bao giờ có thể làm được. Thứ hai, đã không triệt tiêu được nguyên nhân một, thì Hoa Kỳ phải tỏ ra có trách nhiệm để thực hiện giải pháp còn lại là cải tổ luật di dân cho hợp thời và giải quyết một cách tuyệt đối nghiêm túc về biên giới – không gì khác hơn là bức tường. Đem trình bày tất cả những dữ kiện và các giải pháp với người không dính dáng gì, bình thường ai mà chẳng thấy đây là giải pháp tốt nhất, chẳng những không kỳ thị mà là thể hiện tinh thần trách nhiệm và tính ngay thẳng, sự quan tâm về an ninh, kinh tế và do đó mà có tính nhân đạo. Bình tĩnh cùng xét xem về phía ta; có đúng không khi cuộc sống của ta hấp dẫn thiên hạ mà không chịu rào giậu để khi người ta tràn vào rồi ta bắt tội? Về phía người, vì lý do trên, người khắp nơi thèm thuồng, tràn vào giẫm đạp làm hư cả nhà hàng xóm, dĩ nhiên họ cũng nên rào giậu không phải chỉ ngăn dân họ liều chết sang biên giới mà còn chặn đứng hoàn toàn tệ nạn do người ngoài mang tới cho họ chứ? Đất nước Mễ cũng vì Hoa Kỳ mà chịu nạn di dân lậu tạm thời tá túc ở đó. Hãy nhìn những thành phố Mễ dọc biên giới để thấy ma tuý, tội phạm, súng ống, tệ nạn xã hội tàn phá xã hội như thế nào. Người dân nơi đây sống với sự phập phồng lo sợ trong một xã hội mà băng đảng tội phạm mạnh hơn luật pháp. Tiền bạc mà họ thu được từ những người không rõ lai lịch khắp nơi trên thế giới mang vào nằm chờ vượt biên giới không đủ bù đắp lại những hư hỏng xã hội ở đây vĩnh viễn. Còn những khó khăn kinh niên mà Hoa Kỳ trong đó có mỗi người chúng ta phải chịu, chúng ta đã biết.
Vậy khi có bức tường, hai bên cùng có lợi.  Mễ giải quyết dứt khoát vấn đề kinh niên, không còn lý do di dân lậu vào Mễ nằm chờ mang những nguy cơ phức tạp cho xã hội, và Mễ có cơ hội mới để xây dựng lại những đổ nát xã hội ở các thành phố nói trên.  Về phía Hoa Kỳ thì ngăn được làn sóng di dân lậu vào trước khi nói đến chính sách thay đổi tình trạng di trú của những người đang sống dưới bóng râm của luật pháp. Và dĩ nhiên quan hệ hai nước sẽ được TÁI THIẾT lành mạnh hơn hiện nay, đó là chưa kể người Mễ sẽ được lợi hơn tất cả các dân tộc khác vì chỉ có họ mới được qua lại - cả đi bộ qua cổng, đàng hoàng đi làm mang tiền về cho gia đình theo một chính sách lao động nước ngoài hợp lý. Không ai bắt Mễ trả như truyền thông rêu rao, mà chính Mễ sẽ vì lợi lộc này cũng như qua sự trao đổi mậu dịch mà chọn chi trả như mua một tài sản chung. Ông Trump nói như tự tin chắc chắn rằng ông sẽ đàm phán được.
Về di dân lậu, Bà Clinton giải quyết bằng cách thành toàn giấc mơ cho vào quốc tịch trong lúc xây cầu nói trên, nghĩa là di dân bất hợp pháp mới sẽ tiếp tục tràn vào mạnh hơn vì biên giới mở rộng trong lúc bên trong khoan hồng; nước Mỹ sẽ tiếp tục hết đợt này đến đợt khác làm y như thế, vấn đề vẫn trơ trơ ngày càng khó giải quyết và dĩ nhiên phiếu an toàn cho phe nào dang tay dễ giải đón nhận. Thế nhưng, truyền thông phe cánh, người ủng hộ rồi cũng có lối giải thích bỡi lẽ ngoài lẽ phải thông thường (common sense) họ còn có cò ngón nghề cái “đúng kiểu chính trị” chuyên nghiệp.
Ông Trump thì khác, “ông tàn nhẫn, ông sẽ xé gia đình người ta, vào nhà bắt người đẩy lên xe thùng ném qua biên giới!”, nhưng đó là lời suy diễn (put word in his mouth) tuyên truyền của truyền thông phe phái chứ không phải của ông.  Ông chỉ nói “Họ sẽ phải ra đi” (They have to leave). Sau khi đựợc đề cử của đảng ông bắt đầu khai triển đề tài. Thứ nhất, ông tuyên bố rất gắt gao rằng sẽ trục xuất tất cả những thành phần bất hảo, di dân lậu mang tội phạm. Phần còn lại ông đã trưng cầu ý dân - cử tri ủng hộ - và kết quả là ông sẽ làm việc với người di dân lậu hiện lưu trú dài hạn có dây mơ rễ má trong nước để có giải pháp thích hợp (hàng ngàn người trên một trên show Hannity/Fox News). Ông trả lời rằng họ sẽ phải về nước và trở qua một cách hợp pháp. Người ta đang chờ xem giải pháp ấy như thế nào. Biết đâu rồi ông sẽ phác thảo kế hoạch, cho họ ra khỏi bóng râm của luật pháp bằng cách đơn giản mà hợp lý nào đó. Thật ra, đa số người di dân lậu không hẳn chỉ làm những công việc lao động chân tay mà người Mỹ không thích làm; di dân lậu ngày nay chứ không phải thời nô lệ, họ không co ro dưới sự bóc lột của chủ, trả công rẻ mạt, phải sao chịu vậy mà không kêu ca. Sự thật phía chủ bất đắc dĩ mới mướn họ vì thiếu người, và sự dễ mướn, họ còn có cái bùa nhân quyền mạnh hơn bất kỳ luật nào. Chủ mướn không phải tự do sung sướng gì, họ luôn trong thế đề phòng, phập phồng lo sợ đối đầu với sự giám sát của luật bảo hiểm công nhân (Worker Compensation) mỗi cái check phải chi thêm 20% đến 50% hoặc hơn nữa, tùy ngành nghề;  nếu người lao động trầy da, chảy máu, hay trặc tay trẹo giò, chủ phải lo vuốt ve còn hơn lo cho cha mẹ; nếu có kẻ thiếu tình chủ tớ, mang ý đồ nằm ăn vạ thì chủ sẽ gặp rắc rối tứ bề, coi chừng bán cả cơ sở chưa đủ bồi thường thương tật vì không có bảo hiểm; nếu có mua bảo hiểm thì gặp rắc rối giấy tờ thuế má, vân vân theo pháp lý  . . . Bất đắc dĩ phải thuê người bất hợp pháp thì hai bên chỉ dựa vào sự tùy nghi tương nhượng không có gì bảo đảm; điều gì cũng có thể xảy ra, là một liều lĩnh dễ thua hơn ăn chứ không phải dễ vắt mồ hôi như người ta tưởng.
2.      Tái lập chính sách di dân trước khi rước người lạ vào nhà như thế nào:
Bà Clinton đòi nhận tăng thêm 550% di dân trong lúc cơ quan an ninh đã nói rằng chưa có cách thanh lọc, nhất là di dân từ các nước Hồi giáo, cùng lúc đó các nước nhận di dân đang đối đầu vô vàn khó khăn về an ninh, đã và đang có nhiều dân vô tội mất mạng; ở Hoa Kỳ rõ ràng khủng bố cũng hoành hành giết chóc kinh hoàng và còn ẩn tàng nguy cơ thiệt mạng không ai biết sẽ xảy ra lúc nào và ở đâu; nền kinh tế chưa ra khỏi khó khăn và nợ nần ngày càng chồng chất.
Ông Trump, tuyên bố thẳng sẽ ngưng nhận di dân từ các nước Hồi giáo. Lời tuyên bố vì dân này đã làm chấn động dư luận trong lẫn ngoài nước, tưởng chừng như ông sẽ rớt đài tức khắc sau những lằn tên, mũi đạn tấn công tứ phía. Nhưng không, cảm ơn truyền thông, ông cứ tiếp tục thắng! Sau đó, ông sửa lại lời nói chỉ riêng những nước có lịch sử rèn luyện, sản xuất khủng bố. Mấy hôm sau thêm chút nữa tạm ngưng cho đến khi có kế hoạch thanh lọc chắc chắn vì sợ khủng bố xâm nhập giết hại dân lành. Trong đảng bắt đầu đồng ý “Pause, Let’s pause!”. Mới đây ông lần lượt nói thêm rằng chúng ta phải bảo đảm chỉ nhận vào nước những ai có tình thương đối với chúng ta, yêu đất nước chúng ta, tôn trọng Hiến pháp Hoa Kỳ và hoà đồng thành một người Mỹ sống trong một quốc gia dưới sự bảo vệ của Chúa và đứng dưới một lá cờ.  Bên đối thủ chỉ còn tấn công một cách miễn cưỡng cho rằng Hoa Kỳ là nước của người tỵ nạn, ông Trump làm hổ danh, làm hạ danh giá người Mỹ! Người thường ai mà không hiểu những lời của ông Trump là không có gì sai. Ông không rớt, mà ngược lại làm cho đối phương khó đối phó dài dài dài!
3.      Tái khẳng định cách đánh bại khủng bố
Bà Clinton thì nối tiếp y như những gì Tổng thống đang làm và tiếp tục tuyên bố trước rằng sẽ không bao giờ ra quân đi đánh. Điều này có nghịch lý không khi mục đích của quân đội là sẵn sàng chiến đấu khi cần thiết? Những người phản chiến nghe bà nói chắc sẽ mừng, nhưng trong lịch sử chinh chiến xưa nay, có ai cam đoan với quân mình và để cho kẻ địch nghe như thế?
Ông Trump thì khác, ông chỉ trích rằng cho dù có ý định không ra quân ông cũng không bao giờ khờ khạo tuyên bố trước theo cái “đúng kiểu chính trị”.  Ông chỉ trích rằng bà Clinton không xác định kẻ thù là ai thì không thể đánh được. Phần ông thì chẳng những dùng vũ khí, chiến thuật mà còn đánh hỏng mạng internet của chúng; vừa nâng cao giá trị tốt đẹp của người Mỹ, của Hiến pháp Mỹ đồng thời lột trần hệ tư tưởng cực đoan của kẻ thù bất kỳ nơi nào cần thiết như trong gia đình, trường học và ngoài xã hội.
4.      Tái lập trật tựtrong đời sống các cộng đồng thiểu số nhất là Mỹ da đen.
Theo ông, chỉ có an ninh trật tự mới có phát triển kinh tế. Ông kêu gọi dân da đen bỏ phiếu để ông có cơ hội cải thiện đời sống của họ bằng công việc làm, cải tổ giáo dục trẻ em và lập lại trật tự. Đây là những điều họ đang cần quan tâm. “Các bạn còn đi để mà mất chứ! Bầu cho Trump! Cho tôi một cơ hội, tôi sẽ sửa lại!” (“What the hell you are going to lose?” “Vote for Trump, give me a chance, I’m going to fix it!”). Đối phương chỉ trích rằng ông coi thưng Mỹ đen – có nghĩa là những cộng đồng này đang tốt, không có vấn đề!  Có thật không thì quí vị tiếp tục nhìn thực tế trước mắt và tìm hiểu thêm.
5.      Tái lập chương trình chăm sóc trẻ em . Chương trình cũ đã lỗi thời và ông đã đề nghị chương trình mới https://vietbao.com/a258121/cha-me-co-con-mon-va-gia-dinh-co-ong-ba-noi-ngoai-nen-biet
6.      Tái đàm phán mậu dịch quốc tế
tiêu biểu như NAFTA do Tổng thống Clinton ký với sự vận động hổ trợ của phu nhân. Ông Trump đã xem xét và vạch rõ rằng hiệp ước này gây thiệt hại cho Mỹ quá nhiều và đã quá lâu không ai nói đến; ông còn rà soát và sửa chữa tất cả quan hệ mậu dịch với các nước mà ông cho rằng đã ăn hiếp Mỹ nhằm đem lại sự trao đổi công bình (pro-trade but it must be fair trade) để người Mỹ không còn tiếp tục thiệt thòi.
7.      Tái xây dựng quốc phòng và quân đội:
Ông đề xuất gia tăng chi phí quốc phòng và tái thiết quân đội hùng mạnh đến mức không cần sử dụng. Tức là uy danh Hoa Kỳ sẽ mang lại an ninh thay vì xuất quân đánh đấm. Hy vọng kế hoạch này mang lại rất nhiều việc làm cho ngành thuộc vi tính, kỹ thuật quốc phòng.
8.      Tái xây dựng . . .
Với lẽ phải thông thường và lý tưởng tái thiết, ông Trump bằng tập quán của người xây dựng, nhìn xuyên những chỗ thiếu sót, lỗi thời và cần tái thiết trong tất cả những ban ngành từ kinh tế, quốc phòng, quân sự, ngoại giao, biên giới đến chăm sóc bà mẹ trẻ em, cải cách giáo dục, an toàn xã hội, cải thiện đời sống của các cộng đồng thiểu số . . . Ông Trump đã nổi tiếng – do cả người nói tốt và kẻ nói xấu, kẻ chống người binh. Người ta chờ cười ông sẽ tự đâm thủng thuyền mình nhưng rồi không thấy; người ta lại hốt hoảng lo sợ xúm nhau bắn phá, nhận chìm, nhưng thuyền của ông vẫn một mình cỡi sóng như đi một chuyến đi chơi và nay đã đến gần bến đậu.  Ông không chịu rớt mà tiếp tục làm khó đối phương dài dài, bất kỳ người trong đảng hay ở ngoài thù ghét. Dĩ nhiên không phải chỉ vì một ông Trump có tài mà chính là do sức mạnh cốt lõi của “cái thật”. Nay bà Clinton phải đối phó với người mà mình chưa từng nghĩ sẽ gặp trên một khán đài. Địch thủ này không dễ ăn chút nào vì hắn đánh “võ say” tự chế không theo bài vở nào cả, còn mình thì vẫn dính chết trong những bài muá cổ điển, không tháo được cái khuôn chính trị đã nằm trong đó quá lâu! Đó là chưa kể thành tích làm việc của bà chỉ là nhiều năm nhưng không có thành tích gì nổi bật mà ngược lại nổi bật những cái oái oăm hư hỏng khiến người ta đang phải khổ công dọn dẹp. Đấu với đấu với ông Trump đã khó nhưng chỉ có một phần, còn phần lớn là phải đốn làm sao cho ngã sự thật bỡi những gì của Trump đã đưa ra, nói gì thì nói nó vẫn cứ là cái thật và chính những trí trá, quanh co của bà Clinton cũng là sự thật sừng sững như cây cổ thụ đứng giữ lối đi!
Và sau cùng, liệu sự thật nhìn qua lăng kính của lẽ phải thông thường (common sense) và lý tưởng vì dân tái thiết đất nước của ông Trump có thắng nổi cái “đúng kiểu chính trị” (plolitical correctness) của kẻ có nghề và bộ máy chính trị lâu đời đàng sau đang lung lay như cây già rễ mục tiêu biểu là các vụ xì-căng-đan nổi cộm, tổ bố đến cả cả nước và toàn thế giới nhiều người biết đến do kỹ thuật thông tin hiện đại. Sự sụp đổ của mọi sự vật tự nó đã nằm ngay từ trong cái hư huyễn cho dù con người cố sơn phết, đắp vá, bao che. Ấy như Liên Bang Xô Viết có khác chi một dãy núi khổng lồ nhưng rồi đã tự hủy chỉ do Regan, người biết khai hoả vào đúng chữ thời và ngay cái chỗ không thực của nó.  Thế sự xem chơi cho biết, sao ta lại phải yêu ghét làm gì! Hãy chờ xem vận mệnh của Hoa Kỳ sẽ đi về đâu!
Vĩnh Tường
Nguồn   



Bài đăng phổ biến