Breaking News

DẠY VÀ HỌC TIẾNG VIỆT




MỘT SỐ YÊU CẦU CHUYÊN MÔN CĂN BẢN
Dạy Và Học Tiếng Việt cho Người Việt Hải Ngoại

1.      Phát âm
2.      Đánh vần, ráp vần
3.      Biết nói
4.      Biết viết
5.      Nói - Đọc - Viết thông thạo.

Yêu cầu đối viới giáo viên:

 I.    Hiểu biết khó khăn nhất định của con em nhất là đối với các em đã biết đọc, viết và nói tiếng Anh. Không biết khó khăn của các em thì phương pháp giảng dạy nào chắc chắn cũng sẽ mất nhiều thời gian và kém hiệu quả:
  1.       Khó khăn chủ quan:
     ·         Khi các em đã biết nói tiếng Anh các cơ năng phát âm của các em đã quen một cách tự nhiên với  cách cấu tạo âm thanh qua các điểm phát âm, thể cách luồn hơi phát ra và độ mở đóng, phối hợp nhịp nhàng của các bộ phận phát âm: răng, môi, lưỡi, nướu, cúa,
     ·         Khi đã quen một kiểu cách tạo âm, tập lại thật khó nhất là từ tập quán phát âm ít hoặc không sử dụng âm tầng nay tiếp nhận ngôn ngữ chủ yếu dùng âm tầng làm căn bản để thay đổi ý nghĩa từ gốc. Vì vậy các em thường nói tiếng Việt không phân biệt âm tầng, không biết sử dụng dấu giọng. 
     ·         Có khó khăn bẩm sinh về phát âm
 2.      Khó khăn khách quan:
  ·         Cha mẹ hay người giám hộ quá bận rộn không đủ thời gian để nói chuyện, quan hệ tương tác với con em bằng tiếng việt.
  ·         Cha mẹ ít nói tiếng việt.
  ·         Các em không đủ thời gian luyện tập phát âm đến mức nhuần nhuyễn, nhập tâm mỗi bài đã học trước khi học tiếp bài mới. Cứ tiếp tục như thế cuối cùng sẽ hoài công vì cái biết ở đây chỉ là biết có học qua mà không sử dụng được.
  ·         Tiếng Việt là ngôn ngữ đơn âm - chữ dài bao nhiêu cũng chỉ có một âm phát ra khi nói hay đọc. Điều này khiến các em khó thay đổi khi đã quen với ngôn ngữ đa âm (tiếng Anh). Khi nói tiếng Việt các em phải ngắt dứt khoát từng tiếng một cho nên các em phải khập khựng, gặp trở ngại không ít trong việc nói, đọc cả câu. Đây là lý do làm cho các em nói rất chậm khi luyện tập.
  ·         Tiếng Việt là ngôn ngữ dùng các tầng âm giọng khác nhau để diễn đạt ý nghĩa khác nhau từ một chữ gốc. Ví dụ: Hai, hài, hái, hại, hải, hãi.
II.  Đối với các em mẫu giáo: Chủ yếu là sinh hoạt và tập nói tiếng Việt. Qua nội dung phát triển từ ngữ thông thường trong sinh hoạt hàng ngày, giúp các em mở rộng tương quan nhân loại, phát triển xã hội tính, trở nên người lịch thiệp, tự trọng, quí trọng nhân phẩm, tôn trọng sự thật, tinh thần cao thượng, đồng cảm, yêu thương, từ bi, bác ái trong môi trường gia đình, bạn bè, xã hội và tập thói quen tốt.

III.  Yêu cầu căn bản về chuyên môn: Thầy cô không cần thiết phải trải qua trường lớp sư phạm hoặc phải đạt yêu cầu kiến thức bộ môn tâm sinh lý nhi đồng hay tâm lý giáo dục, sư phạm lý thuyết hay thực hành như thầy cô ở các trường chuyên nghiệp mà chỉ cần đáp ứng tương đối những yêu cầu căn bản về chuyên môn - có thể học hỏi luyện tập trong thời gian ngắn:
       1.      Biết phân biệt sự khác nhau về cách phát âm từng phụ âm và nguyên âm giữa tiếng Anh và tiếng Việt trước khi dạy phát âm. Chữ Việt và chữ Anh phát xuất từ một nguồn gốc La tinh cho nên hầu hết giống nhau về cách viết, chỉ trừ một số ngoại lệ như chữ Anh không có “đ”, chữ Việt không có “f, j, w, z”.  
       2.      Phát âm chậm rãi, rõ ràng và chính xác. Đặc biệt chú ý đến dấu giọng, âm tầng. Không bỏ qua mỗi khi các em chưa phát âm đúng.
       3.      Nói thật chậm, dứt khoát từng tiếng một. (vì các em gặp khó khăn, đang tập chuyển đa âm sang đơn âm) Đừng sợ các em không nói nhanh. Một khi các em đã thật sự thẩm thấu và ứng dụng được các điểm phát âm và luồn hơi quen với các âm tầng, chúng sẽ tự nâng dần tốc độ đến mức yêu cầu.
       4.      Tùy sự tiến bộ của học sinh mà cho các em luyện tập cùng nhịp độ tăng dần
       5.      Khi đọc bài cần phải chậm rãi, diễn cảm. Càng đạt yêu cầu của nội dung càng có hiệu quả chú ý.
       6.      Cần có những câu hay bài đọc hợp với tuổi và theo sát với đời sống hiện tại ở Hoa Kỳ để gây được thích thú. Điều này hầu như thiếu vắng trong các sách dạy tiếng Việt hiện đang dùng.
       7.      Đến khi các em đã biết nói, đọc, viết thông thạo, đối với qúi thầy cô chưa kinh qua trường lớp sư phạm cần tìm hiểu và bồi dưỡng thêm căn bản chuyên môn về môn giảng văn đẻ việc giảng dạy có hiệu quả hơn.

Yêu cầu đối với học sinh:

       1.      Phát âm chính xác từng chữ. Đừng bỏ qua khi không thực hành được. Phải học hỏi đến nơi, thực hành đến chốn từng chữ, không để nhập nhằng thành cả lô, cả xấp mà không sử dụng được.
       2.      Biết và sử dụng đuợc kỹ thuật đánh vần, ráp vần. Chậm mà chắc. Phải chắc là mình sử dụng được trước khi học bài mới.
       3.      Biết nói. Chậm không sao nhưng phải nói chuẩn. Không sợ chậm mà nên lo có đúng chưa. Khi miệng đã quen với lối phát âm, đến một lúc tự nhiên lời nói sẽ bật ra đúng tốc độ.
      4.      Biết Viết. Khi đã quen đánh vần, ráp vần chính xác (ở bước 2) thì viết tự nhiên sẽ trở nên rất dễ như “magic” vậy.
       5.      Đọc - Nói - Viết thông thạo. Bước đầu học và thực hành chậm mà thật chắc, “học đến tận nơi, hành thật chu đáo” (bước 1,2,3) thì đến đây chỉ tốn thời gian luyện đọc, luyện viết và tìm hiểu ý nghĩa từ ngữ, câu. Từ ngữ càng giàu thì ăn nói và viết sẽ càng lưu loát.

Hội Thảo Chuyên Môn Kỳ Một.
Lee Duong

Bài đăng phổ biến